Điều kiện tự nhiên
1.1. Điều kiện tự nhiên
1.1.1.Vị trí địa lý
Xã Vĩnh Bửu có tổng diện tích tự nhiên là 4.057,84 ha, cách Trung tâm huyện Tân Hưng 28 km về phía Tây Bắc theo lộ kênh 79, có ranh giới hành chính như sau:
- Phí Bắc giáp với xã Vĩnh Đại.
- Phía Đông giáp với xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh.
- Phía Tây giáp với xã Vĩnh Châu A.
- Phía Nam giáp với xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
+ Đơn vị hành chính: Vĩnh Bửu có 04 ấp.
Tên ấp | Diện tích (ha) | Dân số (người) |
1. Ấp Bốn | 353,14 | 711 |
2. Ấp 5 | 866,16 | 846 |
3. Ấp Vàm Gừa | 1.439,06 | 646 |
4. Ấp Võ Văn Be | 1.399,48 | 875 |
Vĩnh Bửu là một trong những xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An, hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt nên khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Kinh tế phát triển chủ yếu là Nông–lâm nghiệp, cây trồng chủ lực là cây lúa.
Xét về vị trí địa lý và quá trình khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế xã hội cho thấy lợi thế cơ bản của Vĩnh Bửu là:
- Vĩnh Bửu là một xã thuộc Đồng Tháp Mười, được hưởng lợi nguồn nước ngọt từ sông Tiền qua trục chính là kênh Dương Văn Dương phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
- Thông qua chương trình khai thác vùng Đồng Tháp Mười của Chính phủ nên cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao đáng kể. Các công trình công cộng như trạm y tế, trường học ngày càng được nâng cấp về chất lượng phục vụ.
- Vĩnh Bửu có Tỉnh lộ 837B chạy qua, là các trục giao thông vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng an ninh; mặt khác hệ thống giao thông thủy thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa.
Ngoài những thuận lợi cơ bản như trên, Vĩnh Bửu còn có một số hạn chế:
- Bị ảnh hưởng của lũ lụt thường niên, dễ gây rủi ro cho sản xuất, hư hỏng cơ sở hạ tầng hạn chế tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
- Đất của Vĩnh Bửu chủ yếu là đất phèn (đã được cải tạo) ở địa hình trũng có nồng độ các độc tố cao, dễ gây ảnh hưởng xấu cho cây trồng trong điều kiện chưa hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, đồng thời ít có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm để phá thế độc canh của cây lúa.
Để xây dựng và phát triển kinh tế cần thấy hết các lợi thế để khai thác, đồng thời khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố hạn chế, tạo động lực phát triển nền kinh tế một cách ổn định và bền vững.
1.1.2. Địa hình, địa mạo
Nhìn chung xã Vĩnh Bửu thấp dần từ Tây sang Đông và từ Nam xuống Bắc.
Xã Vĩnh Bửu nói riêng cũng như các xã Vĩnh Châu A, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi có địa bàn trũng, hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt từ tháng 8 đến tháng 11. Do có địa hình như vậy, xã Vĩnh Bửu khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.
1.1.3. Khí hậu
Xã Vĩnh Bửu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa: mùa mưa và mùa khô; mùa mưa cuối tháng 4 đến cuối tháng 11, mùa khô từ đầu tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vĩnh Bửu nằm trong vùng có nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ lớn, lượng mưa phân bố theo mùa rõ rệt.
a) Nhiệt độ
Không có sự phân hóa đáng kể theo mùa về nhiệt độ. Theo điều tra thống kê, nhiệt độ trung bình qua các năm của xã Vĩnh Bửu là: 26,90C, trong đó nhiệt độ trung bình tháng cao nhất trong năm là 29,80c, thấp nhất là 26,10C.
Nhìn chung nhiệt độ ở Vĩnh Bửu cao và khá ổn định, nhiệt độ trung bình của ngày trong tháng không dưới 260C, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất chỉ là 3 - 40C.
a) Nắng
Vĩnh Bửu nằm trong vùng giàu ánh sáng, có số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.318 giờ/năm, có đến 5 tháng có số giờ nắng lớn hơn 200 giờ/tháng, bình quân có khoảng 6 - 7 giờ nắng/ngày, số giờ nắng cao nhất có thể đạt tới 10-12giờ/ngày (vào mùa khô) và thấp nhất 4-5 giờ/ngày.
Tháng có giờ nắng nhiều nhất là tháng 1 khoảng 235 giờ, ít nhất là tháng 10, khoảng 128 giờ.
c) Mưa
Vĩnh Bửu có lượng mưa cả năm là 1.285mm nhưng phân bố không đều trong năm, vào mùa mưa chiếm tới 85,6% tổng lượng mưa cả năm.
Các tháng mùa khô, lượng mưa rất nhỏ, chỉ khoảng 14,4% lượng mưa cả năm. Trong các tháng mùa khô, nếu không có thủy lợi đảm bảo nước tưới thì cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, sản xuất nông nghiệp bị hạn chế.
Ngược lại, trong các tháng mùa mưa (tháng 9, 10, 11), nếu không có biện pháp tiêu thoát nước, kết hợp gặp lúc triều cường, đồng ruộng sẽ bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
d) Độ ẩm
Độ ẩm không khí bình quân năm là: 82,4% mùa khô có độ ẩm trung bình là: 80,3%, vào mùa mưa độ ẩm trung bình là 85,2%.
Tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất là tháng 1 là 80% và tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 6 là 86%.
e) Gió
Vĩnh Bửu chịu ảnh hưởng 3 mùa gió là: gió Nam và Đông Nam, gió Bắc và gió Đông Bắc, gió Tây và gió Tây Nam.
Gió Bắc-Đông Bắc thường xuất hiện trong mùa khô từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau.
Gió Đông và Đông Nam xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4.
Gió Tây và Tây Nam xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.
Tốc độ gió vào các tháng mùa mưa thường lớn hơn vào các tháng mùa khô nhưng độ chênh lệch không nhiều.
1.1.4. Thủy văn
Vĩnh Bửu cũng như các xã khác thuộc vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, hàng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ vào các tháng 8 - 12, trong các tháng này lượng mưa lớn lại gặp triều cường dâng cao nên thường có lũ lớn.
Lũ lớn kéo dài từ 2 - 3 tháng và mức độ ảnh hưởng của lũ tương đối lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn khắp huyện, hầu như trong mùa lũ không xã nào trong huyện không bị ngập lũ.
Mạng lưới thủy văn huyện gồm các kênh, mương toàn huyện, trong đó có kênh Dương Văn Dương, Kênh 12 là hai kênh lớn nhất huyện, chảy ngang qua huyện Vĩnh Bửu sang Đồng Tháp. Hai kênh này, bắt nguồn từ sông Vàm Cỏ Tây, chịu ảnh hưởng chi phối bởi dòng chảy của Vàm Cỏ Tây.
Kênh Dương Văn Dương, Kênh Ngang không chỉ đơn thuần là phục vụ tưới tiêu nước sản xuất nông nghiệp mà còn là giao thông đường thủy quan trọng.
Như vậy, để giảm bớt tác hại của phèn, Vĩnh Bửu cần hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, trong đó chú trọng kênh tiêu úng thoát phèn.
Tuy nhiên cũng cần chú ý là mặn thường đi đôi với hạn, nếu thủy lợi không hoàn chỉnh sẽ ảnh hưởng gây chết cây trồng hoặc phải bỏ hóa đất đai.
1.2. Các nguồn tài nguyên
1.2.1. Tài nguyên đất
Đất đai xã Vĩnh Bửu có nguồn gốc từ phù sa châu thổ mang đặc tính thổ nhưỡng và chất lượng đất có độ phì khá cao, đặc biệt là hàm lượng mùn hữu cơ, nhiễm phèn nặng, quá trình khai phá sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho việc trồng lúa, cây ăn quả, cây hoa màu và cây công nghiệp.
Tuy nhiên, trong đất có độ chua cao (lượng pH thấp, Ca+, Mg+, nhiều Cl- và SO42- ) và nghèo lân (P2O5) làm cho năng suất cây trồng không cao.
1.2.2. Tài nguyên nước
-Nguồn nước mặt: rất phong phú gồm: nước trời (nước mưa, nước lũ, triều cường) và hệ thống kênh rạch tự nhiên như: Kênh Dương Văn Dương, Kênh Ngang, Kênh 7 Thước,... cung cấp.
Lượng mưa hàng năm tuy lớn, nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa quá tập trung, cường độ mưa lớn làm dư thừa nước gây tràn bề mặt đất gò làm rửa trôi, xói mòn đất, kết hợp với lũ và đỉnh triều cao gây úng ngập đồng ruộng.
Ngược lại, mùa khô chỉ chiếm khoảng 20% lượng mưa cả năm nên không thể canh tác nhờ nước trời được, phải dựa vào hệ thống thủy lợi sẵn có trên địa bàn huyện. Song chất lượng kém, nước các kênh rạch xuống thấp nên bị nhiễm phèn từ sông Vàm Cỏ Tây. Do vậy, để có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô rất khó khăn.
-Nguồn nước ngầm: đặc điểm nổi bật về nguồn nước ngầm là sâu, giá thành khai thác cao, nên ít được khai thác.
Nhìn chung lưu lượng nước khá lớn, nhưng khả năng cung cấp đủ nước cho sinh hoạt của người dân và sản xuất công nghiệp rất hạn chế vì nước ngầm ở tầng sâu giá khai thác cao.
Hiện nay, nước sinh hoạt của người dân trong xã hầu hết dùng nước ngầm do có sự phối hợp tốt với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã hội hóa cấp nước cho sinh hoạt.
1.2.3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê đất đai, đến hết năm 2013 xã Vĩnh Bửu hiện có 14,13ha rừng trồng, được phân bố thành các cụm chủ yếu là cây tràm và một phần là cây bạch đàn, các loại cây này đều được dùng để phục vụ cho sản xuất. Trên thực tế, diện tích đất rừng của xã có diện tích nhỏ hơn do nhân dân đã khai thác và chuyển sang trồng lúa vì hiệu quả kinh tế mang lại của đất rừng không cao (chủ yếu là rừng tràm). Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm của xã, bởi muốn phát triển kinh tế bền vững thì phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.